Tuyển dụng và những bài học làm người

Tôi từng là sinh viên Luật, tốt nghiệp ra trường đi làm nhân viên hành chính nhân sự. Tôi làm công việc này ở một công ty SME không có quy trình cụ thể, không có điều gì rõ ràng, mạch lạc cả, nhưng tôi lại có được những người thầy, người bạn thân như ruột thịt "nuôi" tôi lớn từng ngày. Và tôi biết ơn họ về điều đó. Sau 2 năm không ngừng nỗ lực từng ngày, cố gắng từng ngày, nhiều lúc tôi mệt mỏi, muốn từ bỏ, lười biếng một chút lại thấy sếp của mình cũng đang cố gắng, chăm chỉ cần mẫn, dường như chưa từng thấy chị mệt mỏi. Điều này lại khiến tôi nhớ đến status của 1 người bạn, cụ tỉ như sau: "Ngày xưa đọc “KHÔNG GIA ĐÌNH” của Hector Malot mình rất nhớ một chi tiết: Thầy Vitalis trên hành trình vượt vạn dặm xa xôi, dù sức lực kệt quệ, đi trong trời mùa đông lạnh buốt nhưng khi đi qua những đống rơm để trước những nhà trồng hoa, thầy cũng không cho phép mình dừng bước, ngả lưng. Vì thầy biết, nếu ngả lưng xuống, thầy sẽ không bao giờ có thể đứng dậy nhìn thấy mặt trời sớm mai nữa.

Hình như sự cố gắng của sếp cũng giống thế, năng lượng của sếp không hiểu ở đâu ra mà lúc nào mình cũng thấy nó rạo rực, chưa bao giờ thấy nó nguội tắt cả. Đấy, chính là nguồn năng lượng tôi đi mượn lúc mình mệt mỏi. Vì tôi "nhỏ bé" và xanh xao và tôi còn bị bệnh lười nữa, nên tôi không tự tạo cho bản thân nguồn năng lượng dự trữ, vì khi cần tôi lại lấy năng lượng từ sếp. Và khi mà sếp bỏ tôi đi, tôi thấy mình hụt hẫng, và mất phương hướng. Nhưng tôi không hỏi sếp của mình nên làm thế nào, tôi phải làm gì, tôi cứ một mình như thế hì hục tìm đường thoát khỏi sự mệt mỏi, lo lắng, mất phương hướng. Tôi cũng chả rõ mình đi như thế nào, làm gì, cứ như người "ngủ mơ" trong khi đang thức ấy. Tôi đọc sách self-helf, tôi đọc "Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu", "Tìm đường tuổi 20s", "Sống như người Nhật", tôi nhìn thấy được bản thân mình trong những trang sách tối tăm nhất, những trang sách đầy chênh chao, buồn nản và mất phương hướng. Tôi chợt nhận ra những khó khăn mình đang nếm trải là điều tất yếu mình phải trải qua, không thể tránh được. Tôi dần dần bình tâm lại, dần dần tìm lại được tia sáng vui vẻ trong mắt mình sau bao ngày u tối. Ừ, tôi ổn rồi.


Bây giờ ngồi viết lại mấy dòng này tôi mới thấy rằng, cuộc sống của mình hình như nó giống giống định luật Murphy, cái gì mình nghĩ nó tồi tệ thì nó sẽ ngày càng tồi tệ, và cái gì mình nghĩ nó tích cực thì nó sẽ ngày càng tốt hơn. Đúng là sau khi tôi ở dưới đáy của nỗi buồn con nít con nôi, tôi lại vui với niềm vui "cọng rơm" nhỏ bé, thì niềm vui ấy lớn dần, lớn dần theo từng ngày tháng. Giả như tôi tìm được lớp học tiếng Trung miễn phí này, tôi đi học được những điều mới, được gặp bạn mới, được cười đùa và nói bằng một thứ tiếng khác một cách bập bẹ. Rồi tôi đi học Giải mã nghề nhân sự này, tôi học được nhiều thứ ngoài kiến thức, những cách sống, cách làm việc tuyệt đẹp. Những điều đó khiến tôi nhận ra bản thân mình thật xấu xí, ích kỷ quá thể đáng. Bạn biết không, tôi không thường chủ động giúp đỡ người khác khi người ta không yêu cầu mình giúp, mặc dù tôi biết người ta cần giúp đỡ, tôi bao biện rằng người đang cần giúp đỡ đã có người phụ trách trực tiếp rồi, nếu cần giúp đỡ, nên là người phụ trách trực tiếp của họ chứ không phải tôi, tôi nên tôn trọng công việc của họ, không nên can thiệp vào việc của họ, rồi tôi bao biện rằng đôi khi sự khó khăn đó cần phải được tự mình trải nghiệm thì mới thấm được. Rõ ràng tôi có những trải nghiệm về việc mình phải một mình chống chọi với những khó khăn, cần người giúp đỡ, hỗ trợ mà không tìm được ai trong quá khứ vậy mà tôi lại vô cảm trước những người cần sự giúp đỡ từ tôi. Tôi còn bao biện rằng tôi bận làm việc nọ việc kia. Này, tôi ơi, tại sao tôi lại như thế nhỉ? Tại sao tôi vô cảm, trốn tránh trách nhiệm, và ích kỷ vậy nhỉ? Nghĩ lại điều này tôi thấy buồn nhiều lắm.

Tôi đi học lớp giải mã nghề nhân sự, tôi được học rằng "hãy coi ứng viên như người thân của mình", hãy đứng ở góc độ của họ mà suy nghĩ, sự thấu hiểu, đồng cảm sẽ lớn lên từng ngày, và bạn được nhiều niềm vui lắm khi sống, vì ngoài những người thân cùng huyết thống, bạn có những người thân không cùng huyết thống và sau cùng thay vì bạn sống giữa những người xa lạ, bạn sống giữa những người thân, yêu thương bạn. Hãy cho đi trước khi yêu cầu nhận lại điều gì đó. Tôi còn nhớ, tiến sĩ tâm lý Dr. Pepper có nói về sự giàu có cảm xúc, khi bạn giàu có niềm vui bạn mới cho đi niềm vui được, khi bạn giàu có hạnh phúc bạn mới làm cho người khác hạnh phúc được. Vậy làm thế nào tạo ra niềm vui, hạnh phúc cho bản thân mình? Hóa ra nó nằm ngay ở việc cho đi ấy. Bạn có cảm nhận giống tôi không, khi bạn tặng quà cho ai đó, bạn sẽ cảm thấy thật thật vui vì họ nhận quà của mình, thật thật thật vui hơn nữa khi họ mừng vui vì món quà của bạn không? Suy nghĩ miên man, tôi bỗng nhớ đến truyện "Con mèo dạy hải âu bay", kể về một con mèo và rất nhiều những con mèo khác nữa tại bến cảng, đã chăm sóc, yêu thương và dạy dỗ con hải âu sống trong một đàn mèo biết bay. Đó là tình yêu thương vượt ra khỏi những định kiến, rằng không chỉ yêu thương những người giống mình, hãy yêu thương cả những người khác mình, dù rất khó. Đến mèo còn làm được thì cớ gì mình không làm được nhỉ!


Bên cạnh việc học cách cho đi yêu thương, tôi còn học được cách đối xử công bằng trong khi làm việc. Trong tuyển dụng, bạn đóng vai là người tuyển dụng hay khách hàng trong quan hệ mua bán sức lao động. Vậy cuộc phỏng vấn tuyển dụng chính là nơi bạn lựa chọn sản phẩm mình muốn mua. Theo tôi, hãy trả giá thích đáng cho sản phẩm mà bạn thích và thấy phù hợp với bạn. Bạn có quyền đòi hỏi ở sản phẩm dịch vụ mà ứng viên cung cấp, thì ứng viên cũng có quyền từ chối các yêu cầu không phù hợp với họ của bạn, yêu cầu về giá cả. Trong mối quan hệ này, dù bạn là người tuyển dụng (khách hàng) hay ứng viên (người bán hàng) hoặc ngược lại người bán hàng là nhà tuyển dụng (bán thương hiệu, môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ,...) và ứng viên là khách hàng thì hãy nhớ rằng đây là một quan hệ sòng phẳng, thuận mua vừa bán, kinh tế thị trường, không chèo kéo khách hàng, không bắt chẹt khách hàng. Tư tưởng cộng sinh, hai bên cùng có lợi là những gì tôi đang theo đuổi. Tại sao muốn mình tốt lên thì người khác phải xấu đi? Tại sao không lựa chọn mình tốt lên, đứa còn lại cũng tốt lên? Mình tuyển được người phù hợp thì người phù hợp đó cũng phải được trả công xứng đáng chứ. Phải không nào?

Túm lại, đối xử hòa ái với mọi người, phát triển tư tưởng công bằng, cộng sinh để sống trong tình yêu thương đùm bọc, ấm áp giữa những khó khăn bộn bề của cuộc sống. Đời người có bao nhiêu đâu, sáu mươi năm cuộc đời, đi được một phần ba rồi, còn mấy năm nữa để sống đâu, nên yêu nhau thì hơn!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Review sách "Sức khỏe nằm trong tay bạn" - tác giả Trần Bích Hà

Cuối năm và câu chuyện đăng ký thang bảng lương mới

Lượm lặt nhân sự (p2) - Hoàn thiện phòng HC-NS từ năm 1 đến năm 4