Lần đầu đi xem cải lương và cái kết.....

Lần đầu tiên trong cuộc đời đi xem cải lương!

Nói thật là nhắc đến xem cải lương, là một người có tuổi đời còn trẻ, thực sự, tôi không muốn đi. Nhưng vì lý do tôi được Thầy chùa gọi điện bảo, nên hoan hỉ đi thôi. Thầy nói, đợt này đang có Đại hội Phật giáo toàn quốc, rất lớn, nên tối thứ 2 có Vở cải lương "Vua Phật", tối thứ 3 có ca nhạc Phật giáo, toàn các ca sĩ nổi tiếng đến trình diễn thôi.



Thú thực, tôi thích nghe ca nhạc hơn, nhưng vì bận học nên đành đi xem Cải lương. Lúc đầu thầy nói tôi hứng thú lắm, nghĩ chắc mình phải xin thầy 5 vé, sau nghĩ lại chắc khó mời mọi người đi xem cải lương lắm, nên thôi, xin thầy 2 vé, rủ đứa Phật tử đưa mình đến gặp thầy lần đầu đi, chắc nó có hứng thú. Thế là chốt đi xem cải lương.

Nhưng đời không như là mơ, tôi rủ con bạn Phật tử đi xem, và nó không đi, nó đang stress công việc, nó mệt và buồn ngủ, chả muốn đi, và tôi cũng không đủ nhiệt tình đến độ kéo nó ra khỏi cái mớ bòng bong đó, vì nghĩ rằng, chắc nó cần phải tự mình trải qua những thời điểm khắc nghiệt trong cuộc sống như thế, nó mới vững vàng lên được. Nói thế thôi, chứ thực ra, xét theo một khía cạnh nào đó, tôi ích kỷ và vô tâm bỏ mẹ. Xin lỗi vì nói láo, nhưng mà, tôi đang trong giai đoạn của sự trưởng thành, kiểu như tuổi dậy thì ấy, vớ vẩn và điên rồi. Người ta nói đó là dậy thì chưa thành công. Tôi cũng buồn xo vì điều này, nhưng thôi, kệ nó đi. Chốt lại, tôi đi không có nó. Trong nỗ lực vớt vát lại cái định mệnh đi xem cải lương 1 mình, tôi rủ chị lớn của tôi (đây là người thầy ngoài trường đời đầu tiên của tôi, nên tôi gọi chị là chị lớn), nhưng chị cũng bận, và cải lương làm chị không khoái, nên chị không muốn đi. Thôi, chốt lại tôi đi một mình!



Cái sự đi một mình của tôi lại một lần nữa không suôn sẻ. Tôi không xin được vé trước ngày diễn ra vở diễn, vì tôi không liên hệ được với người giữ vé. Tôi gọi điện, nhắn tin nhưng không được phản hồi. Ngay lúc tôi quyết định, gọi 1 cuộc điện thoại cuối cùng, và chắc mẩm trong đầu sẽ chẳng ích gì đâu, sẽ không phải đi xem cải lương thì người giữ vé lại bắt máy. Không biết mình nên cười hay nên khóc nữa. Vâng, cuối cùng tôi có vé và đi xem cải lương.

Nói thật, nhiều khi tôi cũng ghét cái sự dài dòng và đơn điệu của bản thân, nhưng LƯỜI quá, nên kệ nó. Có lẽ vậy, tôi ngày càng khó tính và già đi............



Tôi đi xem cải lương không phải vào giờ cao điểm, mà đường Hà Nội vẫn rất tắc như chưa bao giờ được tắc đường, chưa bao giờ có khái niệm giờ ít xe cộ vậy. Chán hẳn, tưởng sẽ lót dạ được cái gì đó thì bây giờ ôm bụng rỗng đi xem cải lương. Chán rồi Choáng. Tôi choáng vì người ta trang hoàng băng rôn, khẩu hiệu, backdrop, tranh ảnh, hoa hoét rất rất rất hoành tráng, có cả bóng bay to treo giữa sân Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô nữa. Hứng khởi quá, tôi nhắn tin cho con bạn rủ nó thêm lần chót. Nó vẫn chả có hứng thú tí xíu nào, tôi đành tự an ủi, chỉ mình ta với ta. Và vở cải lương bắt đầu, nó hay và thú vị đến kỳ lạ. Vở cải lương nói về cuộc đời của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, đầy tính lịch sử và tôn giáo, khó có sức hấp dẫn với người trẻ. Nhưng khi vở kịch bắt đầu, âm thanh, ánh sáng, lời thoại, giọng điệu, biểu cảm của diễn viên đều thật sự hấp dẫn, thật sự cuốn hút khán giả. Mắt cận, ngồi xa như mình còn thấy thích thú nữa là các bác mắt sáng, ngồi gần. Sau lần xem cải lương này mình hiểu tại sao người ta bỏ ra rất nhiều tiền để đi xem hòa nhạc, ca nhạc, sân khấu. Vì khi ngồi đấy, trong không gian đấy mình thực sự sống cùng với nhân vật. Không đau mắt, đau đầu như xem phim 3D, 4D gì đó, mà thích lắm, có cái gì đó rất "tình" tại lúc đó, kiểu liên hệ ngầm hay giao cảm ngầm vậy.

Rời khỏi hội trường đã hơn 10h đêm, gió lạnh từng cơn mà lòng vui phơi phới. Lúc đó mình mới nhận ra, cuộc đời sao mà ấm áp thế, giữa gió lạnh vẫn nở hoa tươi. Mình cũng sẽ chi ra một khoản tiền để thỏa mãn cái thú vui phù phiếm này của mình, đi xem kịch.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Review sách "Sức khỏe nằm trong tay bạn" - tác giả Trần Bích Hà

Cuối năm và câu chuyện đăng ký thang bảng lương mới

Lượm lặt nhân sự (p2) - Hoàn thiện phòng HC-NS từ năm 1 đến năm 4